Từ ý tưởng đến năng lực thực thi

Từ nhỏ, cho tới khi lớn lên, tôi vẫn thường tự hào mình là người giàu ý tưởng. Hồi tôi là sinh viên năm thứ 2,  tôi tham gia You and Me group - một tổ chức sinh viên. Vì tôi đưa ra được một vài ý tưởng, nên đã được làm Sale leader. Nhưng thực sự, tôi đã không phát huy được vai trò này trong nhóm của mình. Tôi còn nhớ, mình đã bị anh chủ tịch mắng lên mắng xuống vì viết thư mời hợp tác gửi cho một cửa hàng thời trang không ra hồn. Nhóm của tôi họp nhiều, làm nhiều dự án khác nhau: Chạy sự kiện chia sẻ miễn phí cho sinh viên, làm website giúp sinh viên tìm nhà trọ, làm dịch vụ gia sư, làm shopsinhvien, chương trình thực tập chuyên nghiệp,… Không hề có chiến lược tập trung vào một mảng cố định. Chúng tôi tuyển được rất nhiều “siêu sao” sinh viên, nhưng họ chỉ vào được dăm bữa nửa tháng là nghỉ. Tôi vẫn nhớ mãi hình ảnh, hai anh em ngồi ở trên cầu vượt đường Trần Đại Nghĩa, gặm khoai nướng, mơ về việc tất cả các biển hiệu ngoài kia đều sẽ có dòng chữ You and Me. Thực sự ngày đó đã không đến, các thành viên tan rã, chúng tôi không thành công trên bất kì dự án nào.



Bạn tôi, học trường báo chí làm copywriter cho một thương hiệu tiếng Anh Ielts. Bạn không có nhiều ý tưởng nhưng bạn rất chăm chỉ làm việc. Bạn nhận idea từ trưởng phòng và cố gắng thể hiện chỉn chu từ website, banner, tờ rơi, brochure,… Thương hiệu của bạn phụ trách đã bắt đầu xây dựng thành công hình ảnh của chuyên gia và doanh số bật lên từ 80 học viên/ tháng lên tới 250 học viên/ tháng. Mặc dù bạn rất khiêm tốn, đây chỉ là thành công nhỏ và nhờ một đội ngũ cùng hỗ trợ như các bạn chạy quảng cáo, bạn thiết kế và tư vấn viên. Tuy nhiên, ở phần việc của mình là copywriter, bạn góp phần đảm bảo mục tiêu về thương hiệu và doanh số của doanh nghiệp. Bạn được quản lý đội CTV, được công ty cử đi học để quản lý digital marketing và sau đó, tiếp quản vị trí trưởng phòng Marketing sau gần 2 năm gắn bó với công ty.

Tôi, nhóm của tôi hay bạn tôi là những ví dụ rất điển hình minh chứng cho sự quan trọng của năng lực thực thi. Ý tưởng hay mà không chỉn chu trong từng công việc nhỏ thì kết quả cũng không bằng một ý tưởng bình thường nhưng các phần công việc được hoàn thiện một cách tốt nhất. Tôi vẫn nghĩ tới các big idea, nhưng đồng thời luôn cố gắng tìm ra những phương án tối ưu nhất, tốt nhất khi nhận làm một phần việc. Từ những trải nghiệm bản thân, tôi quan niệm giá trị của mình trong tổ chức không đo bằng vị trí mình đang đứng, chức danh của mình trong một dự án, mà nó tính bằng chất lượng công việc và sự cống hiến cho tổ chức. Làm việc với vị thế của một chuyên gia trong mảng mình phụ trách tại doanh nghiệp là điều tôi luôn hướng tới.