Đừng nói ngôn tình đầu độc giới trẻ, hãy cảm ơn Nhã Nam

Bữa trước mình tham gia tọa đàm của Nhã Nam về văn học tình cảm của Pháp với Musso và Marc Levy tại trung tâm văn hóa L’Espace. Tọa đàm thu hút rất nhiều tầng lớp trí thức tham gia, từ các độc giả tóc bạc phơ chống gậy đến các cô bé đang ngồi trên ghế nhà trường. Cuối buổi, phần thảo luận hết sức sôi nổi, có rất nhiều ý kiến trái chiều đưa ra về việc đọc sách hiện nay.



Có một nhà nghiên cứu gạo cội cho rằng, văn học của Musso và Marc Levy nhẹ tênh, không đọng lại được nhiều giá trị,… sao Nhã Nam lại bán được nhiều thế và tại sao họ không truyền thông cho các tác phẩm của nhà văn khác như: Buồn ơi chào nhé, Khung cửa hẹp,… Bên cạnh đó, bác đặt lại một nghi ngờ thực chất những tác phẩm tình cảm nhẹ nhàng này có đóng góp gì về mặt tư tưởng, có mang lại giá trị gì cho độc giả hay không?

Đồng quan điểm với bác, một bác khác cho rằng văn học tình cảm Pháp cũng “chung mâm” với văn học ngôn tình Trung Quốc đang đầu độc giới trẻ hiện nay.

Cả khán phòng ồ lên trước những ý kiến có vẻ hơi ném đá. Trong lúc những dấu hỏi nghi ngờ lớn đặt về phía nhà phê bình văn học trong buổi tọa đàm về giá trị thực sự của dòng văn học được rất nhiều người tôn thờ, một bạn trẻ dũng cảm đưa ra một góc nhìn khác.

Như tất cả mọi người đều đồng ý, mỗi một dòng văn học, một cuốn sách hay ngay cả một status trên mạng xã hội đều phục vụ thị hiếu một đối tượng nhất định. Người già có thể đọc các tác phẩm có sức nặng đòi hỏi sự trải nghiệm để cảm nhận. Trong khi đó, người trẻ có thể đọc những tác phẩm nhẹ nhàng như Nếu em không phải một giấc mơ, Hẹn em ngày đó, Trà hoa nữ,… Chúng ta cần có cái nhìn độ lượng với người trẻ. Văn hóa đọc, thị hiếu người trẻ hiện nay ảnh hưởng bởi thời đại và môi trường sống.

Cái nhìn này nhận được sự ủng hộ của rất nhiều người trong hội trường. Bản thân mình, đọc rất nhiều sách, từ những ngày bé xíu, mẹ đặt báo Nhi đồng, lớn hơn một xíu, đọc Thiếu niên tiền phong, Toán tuổi thơ, Văn học tuổi trẻ rồi sau này cũng như bao thiếu nữ mộng mơ khác, đọc truyện ngôn tình mơ về soái ca và tổng tài. Đọc sách kỹ năng mềm, sách dạy làm giàu, sách marketing, truyền thông,… Dễ thấy, đọc sách liên quan đến quá trình phát triển và nhận thức của con người. Ở độ tuổi nhất định, chúng ta đọc những tác phẩm phù hợp với mình.

Nếu coi văn học như những món ăn, thì hiện nay chúng ta có cả một bàn tiệc thịnh soạn, nhiều lúc chả biết gắp món nào. Là các món ăn tinh thần, thì để đảm bảo sức khỏe tinh thần, chẳng phải lúc nào cũng ăn các món ngon, mỗi bữa tiệc bày ra đều cần món khai vị. Nhiều hôm mệt đầu, nhức óc về công việc chắc không thể tiếp thu những tác phẩm chính luận, mình sẽ chọn Marc Levy, Musso, Trần Thu Trang, Anh Khang, Đồng Hoa,… Giữa cuộc đời xô bồ, khắc nghiệt, tràn ngập điều tiêu cực, những tác phẩm này như dòng nước giải nhiệt, nhẹ nhàng cho chúng ta thêm tin yêu về cuộc sống. Nói vui thì, đã giải trí thì cần gì có não!


Một cô chủ cửa hàng sách trên phố Tạ Quang Bửu chia sẻ, tụi trẻ con có thể đọc ngôn tình Trung Quốc còn hơn là để chúng ngồi chơi hàng net hay sa chân vào các thú vui vô bổ khác. Mỗi một khách hàng đến cửa hàng, cô sẽ hướng họ đọc từ những tác phẩm nhẹ nhàng như ngôn tình rồi sang các tác phẩm như Musso, Marc Levy sau đó định hướng sang những tiểu thuyết giàu triết lý như Kalfa bên bờ biển, 1Q84, Phía Nam biên giới, phía Tây mặt trời của Haruki Murakami và các tác phẩm có sức nặng khác.

Mình tham gia group Đọc và chia sẻ, mỗi ngày, các thành viên sẽ chụp lại cuốn sách, trang sách mà họ đang đọc, sách giấy, ebook và sách thuộc mọi lĩnh vực. Mỗi ngày đều dành 30p -1 tiếng để đọc sách và trao đổi cùng mọi người, vừa có cảm giác được chia sẻ về mặt tư tưởng, vừa tiếp thu được nhiều kiến thức mới, bổ ích.

Ý kiến của riêng mình, đã là sách đọc cuốn nào cũng quý, tùy vào góc nhìn và có thể là thời điểm, chúng ta sẽ cảm nhận được những giá trị khác nhau.