Giáng sinh năm nay không có tiếng nhạc Jingle Bell vang trong
tâm trí, không có những kì vọng về vòng tay ấm áp của người đàn ông sẽ mang lại
cho mình hạnh phúc. Tôi đã trêu mọi người rằng buổi tối em sẽ đi xem phim một
mình, nhìn đôi nào đang hạnh phúc mình sẽ chọc, sau đó ra công viên gần nhà
trêu những đôi đang tình tự trên bãi cỏ ghế đá,… Nhưng thực tế thì, tôi không rảnh
vậy. Thay vì kiếm thú vui nào đó, tôi vào bệnh viện thăm bố của chị bạn thân
đang điều trị ung thư dạ dày. Đêm giáng sinh, bệnh viện cũng vắng vẻ, thay vì nằm
2 bệnh nhân một giường như thường lệ, trong phòng còn trống những ba giường nữa.
Tôi bắt đầu ngồi bóc phốt, bắt đầu than vãn chuyện đồng nghiệp, ca thán chuyện việc nhiều lương không bao nhiêu, lãnh đạo hay
đổi ý, cái gì cũng thích ngon bổ rẻ,...
Lẽ ra bác trai phải là người đóng vai đau khổ nhiều nhất, bác sẽ rên rỉ về những
cơn đau hành hạ bản thân, bác sẽ nói về chuyện cái chết có thể ập tới, sự lo lắng
về chi phí của mỗi đợt điều trị hay sự day dứt về những gì chưa làm được cho đời,…
Nhưng người quân nhân đã về hưu chỉ lặng im, mỉm cười và gật đầu nghe tôi nói.
Kinh nghiệm của người giúp việc qua 7 đời thủ trưởng chỉ huy 2000 quân chỉ dồn
vào một chữ “Nhẫn”. 700 người nhập ngũ năm nào có lẽ chỉ còn đôi ba người trụ lại.
Người ta bỏ cuộc vì những cảm xúc tiêu cực: sợ gian khổ, thất vọng vì cơ hội
thăng tiến chẳng đến, vì kỳ vọng một nơi tốt hơn hay phật ý vì không được lãnh
đạo trân trọng công sức.
Hai tiếng đồng hồ trôi qua, lọ nước truyền đã hết, những
chia sẻ của bác như cởi từng khúc ruột đang rối như tơ vò của tôi. Và tôi biết
bác chẳng muốn gì hơn, đôi khi đơn giản là được chia sẻ những gì mình đã trải
qua, có người trò chuyện cùng để quên đi những đau đớn của cơn bạo bệnh khi về
già. Còn tôi, nhận được nhiều hơn thế. Những triết lý ba xu về việc nâng niu cảm
xúc bản thân hay thuyết “không phân vân trong tình yêu” mà tôi đang tôn thờ như
thần thánh có lẽ nên được xếp tạm vào một góc. Cảm xúc có lẽ chỉ là lớp bề mặt,
là thứ bị dễ bị dao động nhất giữa cuộc sống cơm áo gạo tiền. Nếu chỉ có cảm
xúc mà không xây dựng năng lực của bản thân nó cũng như một cô gái nói rằng
mình có nội tâm mà chẳng có nội dung. Nội tâm dễ làm thu hút người khác trong
chốc lát nhưng nội dung sẽ là thứ cốt lõi giữ người ta ở lại bên mình. Ai dám
chắc ngày nào đó cảm xúc này có biến mất hay không? Cảm xúc này có biến đổi từ
dạng này sang dạng khác hay chuyển từ người này qua người khác? Những cuốn truyện ngôn tình, những cuốn sách dạy
kĩ năng, truyền động lực và làm giàu có thể bán chạy một cách khủng khiếp tại
Việt Nam bởi nó tác động được rất nhanh vào cảm xúc con người. Chúng ta dễ đi
vào trạng thái trong mơ, được nuông chiều cái tôi. Cảm xúc ấy sẽ đi qua rất
nhanh như một cơn dư chấn nếu như nó không hề có hành động kèm theo.
Trong một cuộc nhậu với hội đàn ông trong công ty, một
anh lớn tuổi nhất có đặt ra cho tôi một câu hỏi: “Như thế nào là người đàn ông
không tử tế? ” Lúc đó tôi không có câu trả lời nhưng đến buổi tối hôm đó, khi nghĩ lại những mối quan hệ đã qua, tôi chợt
nghĩ ra đa phần chúng ta hiện nay đang đánh đồng khái niệm “không tử tế” khi
người đó không đáp ứng được kỳ vọng của bản thân về mặt cảm xúc. Nhưng thực ra “không
tử tế” còn xét ở hai phạm trù rộng lớn khác, đó là về mặt pháp luật hay về mặt
đạo đức - xã hội. Một người đàn ông quên ngày sinh nhật của người yêu, một người
đàn ông không thực hiện những gì anh ta đã hứa,… hầu hết đều trở thành khốn nạn
trong mắt cánh phụ nữ. Một người đàn ông ngoại tình, anh ta đúng về mặt cảm xúc
với bản thân anh ta và người tình, sai về mặt cảm xúc với người vợ, vi phạm về
mặt đạo đức - xã hội (có thể là pháp luật nếu chung sống với người tình). Nếu
lúc nào cũng nghĩ được như vậy, có phải chúng ta sẽ bớt đau khổ hơn không…
Nói như vậy, cảm xúc không phải là sự rẻ rúng, người
ta phải trả một cái giá rất đắt vì cảm xúc. Có những người có thể tự tử, có thể
bỏ một công việc đáng mơ ước,… chỉ vì những cảm xúc quá tiêu cực. Tại sao lại
phải chết vì một cảm xúc. Bạn có đang sống quá hời hợt, thiếu sự cảm thông với
người khác, thiếu cái nhìn bao dung với sự việc và quá nuông chiều bản thân hay
không?
Bây giờ, nếu ai đó, việc gì đó khiến bạn nảy sinh cảm xúc
tiêu cực, bạn sẽ làm gì?
1. Hãy sử dụng lí trí
Hãy bình tĩnh để phân tích xem, liệu sự buồn chán, thất
vọng hay phẫn nộ có phải là do bạn tự suy diễn ra hay không? Người gây ra cảm
xúc đó có phải người quan trọng, đáng lưu tâm trong cuộc đời bạn hay không? Tại
sao lại để bản thân buồn chán hàng giờ vì những người dưng không biết xem trọng
bạn? Bản thân tôi là người mắc hội chứng ngôi sao, luôn coi trọng cảm xúc của bản
thân và rất hay ám thị mọi hành động từ mọi người đều nhằm vào mình. Thực tế
thì mọi người cũng có câu chuyện của họ, họ cũng chỉ quan tâm đến cái chân đau
của mình thôi, họ cũng đang nỗ lực hết sức để đạt được mục tiêu và không để ý
quá nhiều đến rào cản xung quanh. Ok, như vậy là mình đang quá rảnh, nếu trở
nên bận rộn thì những người trẻ tuổi hay than vãn như chúng ta có thể bớt đi thời
giờ nghĩ đến cảm xúc của bản thân. Năng lượng đó để dành cho việc học tập, bồi
đắp các kỹ năng còn thiếu thì sẽ thiết thực hơn.
2. Tâm hự
Hãy kể
câu chuyện của bản thân với những người xung quanh bạn. Đừng để cảm xúc tiêu cực,
những khúc mắc ở trong đầu bạn quá lâu? Cảm xúc và suy nghĩ chủ quan có thể
đúng hoặc sai. Hãy tìm đến những người bạn thân thiết hoặc đôi khi tâm sự với
người lạ cũng được. Bạn cần được sẻ chia, đừng lo lắng người ta phán xét bạn vì
những phút yếu lòng. Với những người nhạy cảm như tôi, khi được chia sẻ, tôi đã
có cái nhìn khách quan hơn về mọi việc, có thể tôi đã rơi từ trên mây xuống đầy
hụt hẫng nhưng phần ảo tưởng của bản thân cũng ít đi nhiều.
3. Thiền định -
tự trị liệu cho bản thân
Nếu đã cố gắng phân tích và tâm sự nhiều lần mà vết
thương vẫn rớm máu, âm ỉ hàng đêm, vậy hãy học cách thiền định. Tôi đã học được
từ Làng mai phương pháp Deep breathing – thở sâu hay Belly breathing – thở bụng.
Bắt đầu theo dõi hơi thở, để ý hơi thở
vào, hơi thở ra. Để ý đến sự phồng xẹp của bụng. Thở vào thấy bụng mình phồng
lên, thở ra thấy bụng mình xẹp xuống. Chỉ để ý tới điều đó thôi. Đừng suy nghĩ.
Đừng để tâm mình trên đầu mà hãy kéo tâm xuống dần tới bụng, xuống tới rốn, rồi
thấp hơn nữa tới huyệt đan điền. Hết sức chú tâm vào huyệt đan điền đó. Mình có
thể đưa tay sờ vào huyệt đan điền để cảm nhận sự phồng xẹp của bụng theo hơi thở.
Không suy nghĩ, chỉ để ý tới một chỗ đó thôi. Khi cảm xúc tới 5 phút, 10 phút
hay nửa giờ đồng hồ, cứ làm như vậy, nó sẽ qua đi và mình sẽ không còn sợ hãi nữa.
Khi cơn giận và những cảm xúc tiêu cực qua đi, bạn sẽ
thấy lòng mình bình yên. Đối với tuổi trẻ, vấp ngã, cảm xúc tiêu cực, sự bồng bột
là điều bình thường, hãy chấp nhận và sống chung với nó. Khi vượt qua được, bạn
sẽ cảm thấy mình trưởng thành lên rất nhiều. Ý nghĩa của cuộc sống nằm ở quá
trình hoàn thiện bản thân theo năm tháng. Nếu làm tất cả những cách trên nhưng
vẫn chưa có hiệu quả, bạn có thể viết ra như tôi. Trị liệu bằng con chữ cũng là
một cách giải tỏa rất tốt. Hãy tin rằng tất cả bọn nhà văn, chúng nó đều có vấn
đề về tâm lý và phải chia sẻ bằng việc viết ra, nếu không viết nó sẽ bị nổ
tung. Còn bây giờ, chia sẻ lại với tôi bạn đã từng trải qua cảm xúc tiêu cực
nào đáng nhớ và bạn đã vượt qua nó bằng cách nào?